Ninh Bình: Coi trọng thực hiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

20/02/2020

Tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương, làm nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực hỗ trợ các Hợp tác xã (HTX) phát triển và thành lập nhiều HTX chuyên ngành mới theo tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Mô hình rau rút, rau cần có hiệu quả kinh tế cao của HTX sản xuất tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến (xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh) đã sớm chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa an toàn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. 

Bác Nguyễn Thị Hòa, thành viên của HTX cho biết: Trước đây, gia đình tôi tự sản xuất rau theo mùa vụ và tiêu thụ rau trên thị trường tự do. Cũng như nhiều nông dân khác, nhiều vụ tôi không tránh khỏi tình trạng "được mùa mất giá", bị thương lái ép với giá rất thấp, vì thế thu nhập bấp bênh. 

Nhưng hơn 5 năm nay, khi tham gia liên kết sản xuất với HTX, gia đình tôi được tiếp cận với phương pháp sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá bán ổn định. Cách làm mới đã mang lại nguồn thu nhập cao hơn từ 1 - 1,5 triệu đồng/sào/vụ so với trước đây. 

Ông Nguyễn Hoàng Kim, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Xuân Tiến cho biết: Với khoảng 250 ha đất lúa, HTX đã thực hiện quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, đưa các giống lúa năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng và vận động người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất, thực hiện canh tác lúa theo hướng an toàn. 

Đến nay HTX có trên 70 ha lúa được chứng nhận VietGap, 100 ha được doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm. Đối với diện tích đất thổ canh, đất 2 lúa kém hiệu quả, HTX vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như ổi lê Đài Loan, dưa bao tử, ngô ngọt, cà chua, ớt, cây dược liệu, mướp đắng, bí xanh, mướp Nhật, rau cải các loại… 

Bên cạnh đó, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng khu vực nhà sơ chế, kho lạnh để bảo quản nông sản và trở thành "cầu nối" trong việc thu mua, giới thiệu, phân phối sản phẩm cho thành viên. Điều này đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như tạo điều kiện để xã hoàn thành các tiêu chí NTM, trong đó có tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, đưa xã Khánh Thành trở thành một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2013 và đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2020.

Thực hiện tiêu chí số 13, những năm qua tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện kế hoạch số 107 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả và Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020. 

Theo đó, tỉnh Ninh Bình đã tập trung hỗ trợ các HTX chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Công tác tổ chức lại HTX gắn với chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới được thực hiện tốt, nhất là đối với các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay toàn tỉnh có 299/305 HTX nông nghiệp đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012, 6 HTX chưa chuyển đổi gồm 1 HTX ngừng hoạt động và 5 HTX kém hiệu quả hoạt động cầm chừng.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm hỗ trợ thành lập mới nhiều HTX chuyên ngành theo hướng liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp hữu cơ với một số sản phẩm cây, con chủ lực theo vùng, miền có lợi thế cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất. 

Đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng, mua sắm nhiều hạng mục cho HTX nông nghiệp như: xây dựng trụ sở HTX, cửa hàng vật tư nông nghiệp, lắp đặt lò sấy, xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản, mua máy bơm vô ống, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho cán bộ quản lý HTX... 

Các HTX hoạt động theo mô hình kiểu mới đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người. 

Công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch và chỉnh trang đồng ruộng, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung tạo ra cánh đồng mẫu lớn để thực hiện cơ giới hóa được các địa phương quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh Ninh Bình đã tập trung được trên 500 ha đất canh tác có quy mô lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX thuê để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Được bắt đầu triển khai từ cuối năm 2018, Chương trình OCOP đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ phát triển các mô hình kinh tế tập thể HTX, tổ hợp tác ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trên cơ sở đó, các địa phương đã thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống. 

Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Đến thời điểm này toàn tỉnh có 12 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 đến 4 sao, trong đó 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 2 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ninh Bình đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông nghiệp nông thôn. Toàn tỉnh đã có 101/118 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Theo Báo Ninh Bình

Thiết kế bởi Aptech. Bản quyền thuộc về Nem Chua Yên Mạc