Chương trình OCOP- Giải pháp hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn

28/01/2020

Ông Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp được người dân trong xã biết đến không chỉ là một cán bộ Hội nhiệt tình, năng nổ mà còn là một người nông dân dám nghĩ, dám làm, một điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn.

Chương trình OCOP- Giải pháp hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn

Hội Nông dân tỉnh gắn biển cơ sở mắm tép an toàn tại cửa hàng Thủy Tới, thị trấn Me (Gia Viễn). Ảnh: Minh Đường

Năm 2009, nhờ tham quan mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thành công ở Hưng Yên từ cây nghệ, vậy là ông quyết định lựa chọn cây nghệ để đưa vào sản xuất tại địa phương. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh... nên suốt trong quá trình sinh trưởng không phải sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Nghệ cho thu hoạch 1 năm 1 lần và sản phẩm có thể bảo quản 5-7 tháng mà không bị hỏng. Sản phẩm làm ra đến đâu được các thương lái, công ty tìm đến thu mua hết đến đó.

 

Không chỉ trồng, cung cấp, bao tiêu sản phẩm củ nghệ tươi, ông Trinh còn thành lập HTX cây dược liệu Yên Sơn và đầu tư mua máy chế biến tinh bột nghệ, vừa xay ép, chế biến tinh bột nghệ cho gia đình và là cơ sở thu mua, dịch vụ hỗ trợ cho người nông dân trong vùng.

 

Qua chế biến, sản phẩm tinh bột nghệ cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với xuất bán củ. Mới đây sản phẩm tinh bột nghệ đã được ngành nông nghiệp tỉnh đưa đi tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) ở một số địa phương trong cả nước.

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là một chương trình nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở đặc điểm, điều kiện và tình hình của tỉnh, Ninh Bình chủ trương thực hiện chương trình này với "Mỗi vùng có một vài sản phẩm đặc trưng".

Ninh Bình có vị trí địa lý thuận lợi; hội tụ các tiềm năng về tự nhiên, địa hình, văn hóa và con người... để đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội mang tính đặc trưng của Việt Nam. Ninh Bình lại đang từng bước phát triển du lịch để trở thành trung tâm du lịch vùng đồng bằng sông Hồng.

Hiện toàn tỉnh có 75 làng nghề với 2 nghề được công nhận có các sản phẩm độc đáo, đa dạng. Một số sản phẩm của Ninh Bình đã có thương hiệu: Thịt dê, cơm cháy, mắm tép, ngao, rượu Kim Sơn, được sản xuất ra từ nguồn nguyên liệu nội địa, mang đậm yếu tố địa phương, truyền thống...

Năm 2018, Ninh Bình đã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương tại hội chợ OCOP Quảng Ninh và khu vực Trung du miền núi phía Bắc tại Thái Nguyên với các sản phẩm: Gạo sạch; nấm; trạch sụn; cơm cháy; đồ hộp hoa quả; mắm tép; rượu Kim Sơn; thêu ren; cói, bèo bồng, mây tre đan; thảo dược; gốm Bồ Bát.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ hoàn thiện các sản phẩm tiêu biểu: Cơm cháy Linh Phương (thành phố Tam Điệp), đưa HTX dược liệu Yên Sơn tham gia chương trình OCOP với sản phẩm tinh bột nghệ. Toàn tỉnh hiện có 33 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm: Nhóm thực phẩm 18 sản phẩm; đồ uống 2 sản phẩm; thảo dược 2 sản phẩm; may mặc 2 sản phẩm; lưu niệm, trang trí nội thất 5 sản phẩm; dịch vụ nông thôn 4 hoạt động với tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm đạt 1.577,6 tỷ đồng/năm.

Hiện có 2.472 tổ chức, cá nhân đang sản xuất sản phẩm tại địa phương, trong đó có: 32 công ty cổ phần, 12 doanh nghiệp tư nhân, 9 tổ hợp tác, 8 HTX và 2.411 hộ gia đình...

Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn, mẫu mã kiểu dáng còn ít, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát, đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ chưa nhiều, xuất khẩu trực tiếp còn ít, tiếp cận vốn khó khăn; năng lực, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh còn yếu...

Xác định xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp nên trong thời gian tới cần nghiên cứu kỹ chương trình, tổ chức thực hiện có khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước; kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp và đội ngũ giúp việc; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; rà soát đánh giá đúng sản phẩm thế mạnh địa phương, thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền.

Điều tra, khảo sát, đánh giá và công nhận 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao và phát triển 3-5 làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao (theo Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng, công nhận sản phẩm OCOP). Về chiến lược phát triển sản phẩm, ưu tiên lựa chọn hỗ trợ hoàn thiện các sản phẩm đã có đăng ký công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ và các sản phẩm có lợi thế ở địa phương.

Trong đó: Nhóm sản phẩm thực phẩm có ngao Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn, cơm cháy, nem chua Yên Mạc, thịt dê, tôm nước lợ, nấm ăn và nấm dược liệu, cá nước ngọt. Nhóm sản phẩm đồ uống có rượu Kim Sơn, nước quả đóng hộp của Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao.

Nhóm sản phẩm thảo dược có sản phẩm muối sinh dược Gia Sinh (Gia Viễn), bột nghệ của HTX dược liệu Yên Sơn (Tam Điệp).

Nhóm sản phẩm vải và may măc có thêu ren Văn Lâm (Ninh Hải-Hoa Lư). Nhóm sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí hỗ trợ các sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ trong xúc tiến thương mại và hội chợ triển lãm ở khu, điểm du lịch trong và ngoài nước.

Nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn, ưu tiên hỗ trợ phát triển các hình thức du lịch cộng đồng gắn với giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch thu hút nhiều khách.

Đinh Chúc

Thiết kế bởi Aptech. Bản quyền thuộc về Nem Chua Yên Mạc