OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác

30/01/2020

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Ninh Bình, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương đã có những kết quả đáng khích lệ về số lượng; mẫu mã, chất lượng sản phẩm và đang mang lại những tín hiệu tích cực, giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xoá đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng NTM.

Phát triển sản phẩm chủ lực

Năm 2009, nhờ tham quan mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thành công ở Hưng Yên từ cây nghệ, ông Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình quyết định lựa chọn cây nghệ để đưa vào sản xuất tại địa phương. Ông Trinh cho biết, nghệ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh nên quá trình sinh trưởng không phải sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Nghệ cho thu hoạch một lần/năm và sản phẩm có thể bảo quản 5 - 7 tháng mà không bị hỏng. Sản phẩm làm ra đến đâu được các thương lái, công ty thu mua hết đến đó.

Không chỉ trồng, cung cấp, bao tiêu sản phẩm củ nghệ tươi, tháng 6/2017, ông Trinh và các hộ dân tham gia trồng nghệ đã quyết định thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn, đồng thời đầu tư mua máy chế biến tinh bột nghệ, vừa xay ép, chế biến tinh bột nghệ cho gia đình và là cơ sở thu mua, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân trong vùng. HTX cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng cách, đúng thời điểm. Nhờ vậy, cây nghệ đã khẳng định hiệu quả kinh tế rõ rệt, mang lại thu nhập cao.

clip-image004-9-6170-1588735440.jpg

Các sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình tham gia trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 ( Ảnh: TL)

“Chúng tôi rất phấn khởi vì tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình xếp hạng OCOP 3 sao cho sản phẩm tinh bột nghệ vàng của HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn. Đây chính là động lực để các thành viên và người lao động tiếp tục sản xuất, chế biến sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, qua đó nâng cao giá trị, giúp các thành viên của HTX có thêm thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo, xây dựng NTM”, ông Trinh chia sẻ.

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN&PTNT) cho biết, OCOP là một chương trình nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở đặc điểm, điều kiện và tình hình của tỉnh, Ninh Bình chủ trương thực hiện chương trình này với “Mỗi vùng có một vài sản phẩm đặc trưng”. Ninh Bình hiện có 75 làng nghề với 2 nghề được công nhận có các sản phẩm độc đáo, đa dạng. Một số sản phẩm của tỉnh đã có thương hiệu như: Thịt dê, cơm cháy, mắm tép, ngao, rượu Kim Sơn, được sản xuất ra từ nguồn nguyên liệu nội địa, mang đậm yếu tố địa phương, truyền thống...

“Hàng năm, địa phương đã tích cực tham gia quảng bá, giới thiệu các sản phẩm như: Gạo sạch; nấm; chạch sụn; cơm cháy; đồ hộp hoa quả; mắm tép; rượu Kim Sơn; thêu ren; cói, bèo bồng, mây tre đan; thảo dược; gốm Bồ Bát... tại hội chợ OCOP do các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên tổ chức để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”, ông Sơn nói.

Khẳng định vai trò của HTX

Tính đến thời điểm này, Ninh Bình đã có 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM là huyện Hoa Lư năm 2016 và huyện Yên Khánh năm 2018, TP Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2017. Có 91/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 76,47%. Bình quân toàn tỉnh có 17,8 tiêu chí đạt chuẩn/xã, tăng 13 tiêu chí/xã so với năm 2010; không còn xã dưới 10 tiêu chí... Ninh Bình phấn đấu đến hết năm 2020 có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trên 105 xã đạt chuẩn NTM; ít nhất có 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 50 khu dân cư đạt khu dân cư kiểu mẫu.

“Trong công tác xây dựng NTM tại địa phương đã có sự đóng góp tích cực của kinh tế tập thể, HTX và nhất là sự đóng góp của hàng nghìn thành viên các HTX trên địa bàn vùng nông thôn của tỉnh Ninh Bình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương để có những chính sách hỗ trợ cho các HTX trên địa bàn, qua đó để các HTX phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho thành viên”, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết.

a-hang6-8803-1588735440.jpg

Các sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân (Ảnh: TL)

Xác định xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp nên tỉnh Ninh Bình đã từng bước kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp và đội ngũ giúp việc. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, rà soát đánh giá đúng sản phẩm thế mạnh địa phương, thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền.

Để khẳng định vai trò của kinh tế hợp tác, HTX, trong đó có chương trình OCOP, tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định số 374/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Ninh Bình năm 2019. Theo đó, tỉnh Ninh Bình có 10 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 2 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Việc được lựa chọn tham gia chương trình OCOP và các sản phẩm được xếp hạng sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Phạm Duy

Thiết kế bởi Aptech. Bản quyền thuộc về Nem Chua Yên Mạc