Nâng cao giá trị các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương

05/03/2020

Tỉnh ta được biết đến là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, các khu, điểm du lịch đẹp và những mặt hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng như dê núi, cơm cháy, rượu Kim Sơn, cói Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, cá Tràu tiến vua, cá rô Tổng Trường... Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho những sản phẩm mạnh, đặc trưng của địa phương sẽ nâng cao giá trị, thương hiệu của sản phẩm và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nâng cao giá trị các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương

Phơi hàng cói xuất khẩu tại Kim Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Cá Tràu tiến vua là một trong những đặc sản của tỉnh ta đang được các cấp, các ngành triển khai các phương án nhằm bảo tồn và phát triển. Vừa qua việc cá Tràu tiến vua được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã góp phần nâng cao thương hiệu và tính cạnh tranh của sản phẩm đặc sản này.

Đại diện Công ty TNHH nghiên cứu, ứng dụng và quản lý KHCN trí tuệ Việt Nam, đơn vị triển khai dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cá Tràu tiến vua dùng cho sản phẩm cá Tràu của Ninh Bình" cho biết:

Sau 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã thành công và cá Tràu tiến vua đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Việc cá Tràu tiến vua được bảo hộ nhãn hiệu tập thể góp phần khẳng định, tôn vinh danh tiếng của sản phẩm và duy trì chất lượng đặc trưng của sản phẩm, nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Điều quan trọng nhất đó là việc cá Tràu tiến vua được cấp văn bằng bảo hộ sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng nhãn hiệu tập thể, chống lại các hành vi vi phạm quyền lợi và cũng là cơ sở để địa phương thực hiện quy hoạch vùng và phát triển vùng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Không những thế, dự án còn tiến hành thành lập Hội sản xuất và kinh doanh cá Tràu tiến vua tỉnh Ninh Bình với 50 thành viên với mục đích xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh có tổ chức theo hướng thương mại hóa, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho hội viên, góp phần bảo tồn, gìn giữ loài cá quý hiếm này.

Đồng thời dự án cũng thiết lập hệ thống văn bản pháp lý và chuyển giao cho Hội sản xuất và kinh doanh cá Tràu tiến vua làm căn cứ quản lý và phát triển nhãn hiệu.

Tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đa dạng ngành nghề, phong phú về sản phẩm, nhất là các đặc sản nông sản, các sản phẩm truyền thống của các làng nghề mang bản sắc văn hóa của địa phương như: làng nghề sản xuất, chế biến cói mỹ nghệ xuất khẩu, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, làng nghề thêu ren xuất khẩu…

Trong những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế tạo ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp khai thác các mặt hàng truyền thống, đặc sản của tỉnh tìm được thị trường cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nâng cao tính cạnh tranh, khẳng định được thương hiệu của sản phẩm, không bị hàng giả, hàng nhái chèn ép thì việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là việc làm rất cần thiết. Một trong những chương trình mà tỉnh ta đã và đang triển khai có hiệu quả là Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Trong giai đoạn 2011- 2015 thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, tỉnh ta đã đề xuất 16 dự án và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phê duyệt triển khai 9 dự án.

Đến thời điểm hiện tại đã có 5 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ gồm: Gạo Hương Bình, ngao Kim Sơn, cói Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, cá Tràu tiến vua. Các dự án còn lại đã hoàn thiện hồ sơ nộp, đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ.

Dù chưa có khảo sát để định lượng giá trị tăng là bao nhiêu, song bước đầu uy tín, sức cạnh tranh, nhận biết của người tiêu dùng đối với sản phẩm đã và đang được bảo hộ gia tăng tại Ninh Bình. Các sản phẩm đá Ninh Vân, ngao Kim Sơn, cói Kim Sơn… đang trở thành nhãn hiệu được người tiêu dùng lựa chọn.

Đồng thời, qua thực hiện các dự án trong Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã thành lập mới và kiện toàn các tổ chức tập thể như: Hiệp hội nghề cói tỉnh Ninh Bình, Hiệp hội nghề đá Ninh Vân, Hội sản xuất, kinh doanh cá Tràu tiến vua tỉnh Ninh Bình, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cơm cháy Ninh Bình, Hội nghề thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải.

Để các sản phẩm sau khi được bảo hộ phát huy được giá trị và phát triển, trong thời gian tới các cấp, các ngành, nhất là Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Hiệp hội, các địa phương tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết và có thói quen, ưu tiên sử dụng sản phẩm được bảo hộ.

Tuyên truyền, hướng dẫn nhà sản xuất, người dân sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm đúng quy trình công bố, quy định có liên quan.

Đồng thời, tổ chức sản xuất với quy mô thương mại, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và kiểm soát chất lượng sản phẩm; tăng cường quản lý sử dụng tài sản trí tuệ, ngăn chặn và xử lý nghiêm nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.

Như vậy, trong giai đoạn tiếp theo sẽ có nhiều sản phẩm được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.       

Hồng Giang

Thiết kế bởi Aptech. Bản quyền thuộc về Nem Chua Yên Mạc