Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt CNC 330 góp phần bảo vệ môi trường

20/01/2020
Chất thải sinh hoạt nông thôn hiện nay đang trở thành vấn đề nổi cộm, nhận được nhiều sự quan tâm, ưu tiên giải quyết của chính quyền các địa phương. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn này, Hội Nông dân tỉnh xây dựng và thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt CNC 330 tại xã Gia Hưng (Gia Viễn)".
Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt CNC 330 góp phần bảo vệ môi trường

Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh và xã Gia Hưng chứng kiến vận hành lò đốt rác CNC 330.

Khảo sát cho thấy, nhiều khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh rác xử lý chủ yếu vẫn bằng phương thức chôn lấp truyền thống khiến cho môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cũng như sức khỏe của người dân... ở một số nơi còn tình trạng người dân vứt rác thải ra bờ đê, kênh, dọc đường... gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất, làm ách tắc dòng chảy, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến đời sống dân cư khu vực xung quanh. Đây thực sự là thách thức không hề nhỏ đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. 

Hơn nữa, lượng chất thải rắn từ sinh hoạt nông thôn ngày ngày phát sinh nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại, đang gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Để giải quyết vấn đề trên, nhóm thực hiện đề tài chọn xã miền núi Gia Hưng để xây dựng mô hình. 

Với gần 2.000 hộ và khoảng trên 7.000 nhân khẩu, hiện trên địa bàn xã  Gia Hưng có một đội thu gom rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường, có khu tập kết rác thải thuộc khu vực Bũng, nhưng vì lượng rác thải lớn nên sức chứa bãi rác thải không đảm bảo. 

Khi mùa mưa bão, rác thải trong khu tập kết trôi ra diện tích cấy lúa và khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Do không có cơ sở xử lý rác, một phần rác thải ở khu tập kết được vận chuyển về thành phố Tam Điệp để xử lý. 

Đồng chí Đinh Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Quá trình vận chuyển rác về thành phố Tam Điệp mất rất nhiều kinh phí (mỗi năm ước 300 triệu đồng), xã không đủ kinh phí để vận chuyển, mặt khác khu xử lý rác Tam Điệp không đủ công suất xử lý rác của các địa phương trong tỉnh. 

Địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt rác CNC 330 đặt tại khu vực Bũng (xã Gia Hưng), bên cạnh khu tập kết rác lộ thiên hiện tại của xã với tổng diện tích trên 10.000 m2. Khoảng cách đến khu dân cư gần nhất 2 km, đường đi lại thuận tiện, đảm bảo cho việc vận chuyển rác thải, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân khu vực xung quanh. 

Chủ nhiệm đề tài, đồng chí Hoàng Ngọc Chinh cho hay: Thời gian qua, ở một số xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tập trung xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt phần nào giải quyết được vấn đề xử lý rác thải tại đây. Tuy nhiên, những lò đốt này về cơ bản chưa đáp ứng các tiêu chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. 

Vì một số lò đốt này chỉ có vùng đốt sơ cấp, không có vùng đốt thứ cấp nên nhiệt độ thấp hơn so với quy chuẩn. Giải pháp công nghệ được nhóm thực hiện đề tài chọn chuyển giao là Lò đốt rác thải sinh hoạt CNC 330 của Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam sản xuất có nhiều ưu điểm về đặc tính kỹ thuật của lò đốt rác thải sinh hoạt. Lò đốt rác không cần dùng nhiên liệu hỗ trợ (không dầu, không điện, không khí gas). 

Công nghệ lò dạng này tích hợp nhiều nguyên lý khoa học: cách nhiệt, giữ nhiệt và bức xạ nhiệt tối ưu để tăng nhiệt độ cho lò đốt, đồng thời lưu chuyển dòng khí nóng đối lưu thông minh giúp tận dụng được nhiệt thừa, bổ sung cho khả năng đốt rác, giúp cho lò đốt đạt nhiệt độ cao (đạt 950oC) mà không cần nhiên liệu phụ trợ, tăng hiệu quả đầu tư và giúp cho lò hoạt động hiệu quả và có độ bền cao. 

Hơn nữa, lò đốt rác CNC 330 thỏa mãn 4 yếu tố cần thiết cho sự đốt cháy hoàn toàn. Việc cấp ôxy cho quá trình đốt được thực hiện thông qua các lỗ cấp gió từ phía 2 bên sườn dưới lò lên buồng đốt sơ cấp, đảm bảo cung cấp ổn định lượng ôxy cần thiết và cường độ xáo trộn rác để đốt cháy hoàn toàn các khí thải trong thành phần khí nhiệt phân, chủ yếu là HCl, CO và H2 thành CO2 và H2O. 

Nhiệt độ trong buồng đốt đạt trên 950oC, có tác dụng bẻ gãy các liên kết hữu cơ mạch vòng đặc biệt là Dioxin và Furans, làm cho phản ứng ôxy hóa xảy ra nhanh, mãnh liệt để chuyển hóa hoàn toàn khí ô nhiễm thành CO2 và H2O. 

Thời gian lưu khói ở trong vùng đốt thứ cấp có nhiệt độ cao trên 950oC được duy trì lâu hơn 2,2 giây, đủ để đảm bảo thiêu hủy hoàn toàn các chất hữu cơ độc hại, đốt cháy hoàn toàn các thành phần khí nhiệt phân trong buồng đốt thứ cấp. Và quá trình xử lý các khí thải như SO2, NOx, HCl, HF… xuất hiện do thành phần rác và nhiên liệu đưa vào được thực hiện qua hệ thống xử lý bằng tháp cyclon và hệ thống hấp phụ bằng than hoạt tính được thiết kế đặc biệt phù hợp nhờ vận dụng các phản ứng hóa học. 

Hệ thống xử lý khí thải và ống khói được làm bằng thép chịu nhiệt, chiều cao ống khói trên 20m, phù hợp với các quy định về khí thải ra môi trường đạt Quy chuẩn QCVN 61-MT:2016/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Được biết, "Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt CNC 330" sau khi hoàn thành sẽ bàn giao cho UBND xã Gia Hưng quản lý, vận hành theo quy trình. Tổ hợp tác dịch vụ môi trường xã Gia Hưng quản lý, duy trì hoạt động, dịch vụ. 

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cao nhất, tối ưu nhất, thân thiện với môi trường hơn, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Đảng ủy, chính quyền xã Gia Hưng đã tổ chức các đợt chuyển giao kỹ thuật, vận động, hướng dẫn người dân phân loại xử lý rác từ đầu nguồn, việc lọc phân loại và phơi hong rác (giảm độ ẩm), sau đó mới cho vào lò đốt theo quy trình kỹ thuật và thu gom tro xỉ vào đúng nơi quy định. Với công suất trong một giờ, lò có thể đốt cháy 330 kg rác. 

Dự kiến, cứ 2 ngày thu rác 1 lần với lượng rác khoảng 3 - 5 tấn, bình quân mỗi tháng đạt từ 70 đến 90 tấn rác các loại trên địa bàn. Mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt bằng lò đốt rác CNC 330 sẽ phát huy tác dụng đối với các địa bàn có quy mô vừa và nhỏ. Với lượng vốn đầu tư ban đầu vừa phải, phát huy tác dụng ngay sau khi đầu tư, nên nhu cầu sử dụng lò đốt rác thải sinh hoạt CNC 330 là rất lớn vì phù hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh và trên cả nước hiện nay. 

Mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt bằng lò đốt rác CNC 330 tại xã Gia Hưng sẽ là nơi để các địa phương đến tham quan học hỏi. Trên cơ sở đề tài đã triển khai, đơn vị chủ trì có thể phối hợp với đơn vị chuyển giao công nghệ giới thiệu sản phẩm ra thị trường với nhu cần lớn, sản phẩm của đề tài sẽ được nhiều địa phương quan tâm và sử dụng, góp phần giải quyết vấn đề rác thải, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nguồn: Báo Ninh Bình

 
Thiết kế bởi Aptech. Bản quyền thuộc về Nem Chua Yên Mạc