Hiệu quả từ chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

21/03/2020
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.

Trọng tâm của Chương trình OCOP tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Sau hai năm triển khai, bằng nhiều cách làm sáng tạo, Chương trình OCOP đã góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nông thôn có lợi thế, đặc trưng và nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát là một trong 9 chủ thể đầu tiên của tỉnh được hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm OCOP. Anh Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát cho biết: Công ty được thành lập năm 2013 từ một cơ sở sản xuất nhỏ chủ yếu sản xuất ra hàng gốm sứ dùng làm quà lưu niệm. 

Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành về đất đai, về vốn và công nghệ, Công ty đã có sự phát triển sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm, chất lượng đảm bảo. Ngoài bát, đĩa, ấm chén, lục bình.... Công ty còn sản xuất các loại bình giả cổ, bình phong thủy, tranh gốm sứ có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng. 

Tuy nhiên do sự cạnh tranh của thị trường, nhất là cạnh tranh với các sản phẩm nổi tiếng trong cả nước, sản phẩm của Công ty đôi khi gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ. Để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, năm 2019 Công ty đã quyết định làm sản phẩm OCOP và được Chi cục Phát triển nông thôn chọn, tư vấn hỗ trợ mọi mặt, sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí về an toàn cho người tiêu dùng, môi trường đảm bảo, đặc biệt hàm lượng các chất như chì trong sứ được kiểm soát chặt chẽ theo quy định... 

Bên cạnh đó, Công ty còn được tư vấn, hỗ trợ thiết kế bao bì, kiểu dáng, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác... đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Với sự hỗ trợ đó, sản phẩm của Công ty hiện đã đạt được tiêu chí xuất khẩu ra nước ngoài và được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Cũng theo anh Vang, ngay sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, hiệu ứng thị trường đối với các sản phẩm của Công ty tốt hơn. Khách hàng đã biết được giá trị thực, giá trị tiêu chuẩn và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Công ty cũng tự tin hơn trong việc hoạch định phát triển theo đúng phân khúc thị trường. 

Mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường đóng băng, nhiều sản phẩm khó tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản nhưng doanh số bán ra của Công ty vẫn tăng cao. Ước doanh thu 6 tháng đầu năm đạt trên 3 tỷ đồng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. 

Theo thông tin của Chi cục Phát triển nông thôn, việc thực hiện chương trình OCOP trong hơn 2 năm qua, các chủ thể đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh trong mọi khâu của quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. 

Đặc biệt, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình từ tỉnh đến cơ sở được triển khai thực hiện đồng bộ quyết liệt, linh hoạt, bài bản; sản phẩm từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận... 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó 10 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 2 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP được công nhận xếp hạng 4 sao gồm: Mô hình du lịch cộng đồng Quèn Thờ (HTX nông sản và du lịch Tam Điệp), cơm cháy Phương Linh (DNTN thực phẩm Linh Phương); rượu nếp cổ truyền, rượu Chanh đào, rượu Bách nhật, rượu đòng đòng (Công ty TNHH Nga Hải), Thủ công mỹ nghệ từ cói (Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa), Cơm cháy Cố đô (Công ty CP sinh hóa Ninh Bình), gốm Bồ Bát (Công ty TNHH Bảo tổn và Phát triển gốm Bồ Bát), Thêu ren truyền thống (Công ty TNHH thêu Minh Trang). 

Các sản phẩm được xếp hạng 3 sao: rau Khánh Thành (HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành); tinh bột nghệ vàng (HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn). Việc được lựa chọn tham gia chương trình OCOP và các sản phẩm được xếp hạng sẽ là ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, HTX, THT, hộ sản xuất đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. 

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Cụ thể, OCOP là chương trình mới, nên việc thực hiện bước đầu vẫn còn khá lúng túng, cán bộ quản lý, cán bộ OCOP các cấp nhận thức chưa đầy đủ, thiếu kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ phụ trách, tham mưu tại cấp huyện, cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, phụ trách nhiều công việc, nên hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Nhiệm vụ quản lý nhà nước và xúc tiến thương mại sản phẩm giữa các ngành còn đang chồng chéo gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. 

Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình có nhiều tiềm năng nhưng chưa được quan tâm, phát triển đúng mức. Mặc dù đã có rất nhiều chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn; khó khăn trong vấn đề đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo hiệu suất hoạt động, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; quảng bá và giới thiệu sản phẩm; đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. 

Ngoài ra, năng lực, kinh nghiệp sản xuất, trình độ quản lý của các hộ sản xuất kinh doanh còn yếu; nhận thức của người sản xuất còn nhiều hạn chế; mối liên kết giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn chưa chặt chẽ...

Trong thời gian tới, thực hiện Chương trình OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục xác định đúng sản phẩm tiềm năng, lợi thế các vùng, đồng thời tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể sản xuất hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu; xây dựng các website, tham dự hoạt động xúc tiến thương mại…tạo ra sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn đáp ứng đúng Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP. 

Bài, ảnh: Hồng Giang

 
Thiết kế bởi Aptech. Bản quyền thuộc về Nem Chua Yên Mạc